Treo mình lơ lửng bên ngoài tấm kính của những tòa cao ốc, hàng ngày nhìn thấy đời sống nhộn nhịp của giới “cổ cồn trắng”, cuộc sống của Tùng, người làm nghề lau kính trên không, là bức tranh hoàn toàn trái ngược.
Sáng cuối thu nắng vàng rực rỡ, như mọi ngày, Nguyễn Hải Tùng có mặt tại tòa nhà 25 tầng ở quận 7, TP.HCM. Chàng trai 27 tuổi này không phải nhân viên văn phòng, công chức. Tùng làm nghề lau cửa kính trên không, hay như cách cậu và đồng nghiệp thường tự gọi mình: Những “người nhện”.
Với bộ đồ bảo hộ lao động bằng vải kaki, áo liền quần màu xanh, nón bảo hiểm, găng tay, dụng cụ neo người trên mặt kính, và quan trọng nhất là bộ dây đai bảo vệ, 9X cầm theo xô, giẻ lau, vòi dẫn nước để chuẩn bị cho việc “hóa thân”.
Cheo leo trên các mảng kính của tòa nhà, Tùng thả mình xuống “ghế ngồi” là một miếng ván có kích thước khoảng 30×70 cm, được treo vào 4 đầu dây thừng, rồi buông mình ra giữa không trung.
Vừa thoăn thoắt leo trèo như “con khỉ” để thả và neo dây, chàng trai sinh năm 1990 từ từ xịt ướt mặt kính, lau bằng nước rửa chuyên dụng, rửa lại cho sạch rồi dùng thanh gạt nước làm khô.
Đến trưa, trời nắng gắt như đổ lửa, cái nóng hắt ra từ bề mặt kính dày từ độ cao gần 120 m, mồ hôi thành giọt thi nhau đổ trên gương mặt. Bộ đồ vải kaki bí bách không thấm mồ hôi, nón bảo hộ không đủ che ánh nắng mặt trời đang chiếu thẳng vào mắt. Chiếc khăn bịt mặt mỏng manh chỉ giúp giảm bớt sức nóng ran của thời tiết, cặp kính cận bị hấp hơi mờ nhòe. Tùng ngồi chông chênh như thế liên tục 4 tiếng trước khi được đổi ca.
Chênh vênh cả ngày trên không
Sài Gòn với những tòa nhà chọc trời mọc lên ngày càng nhiều. Bên cạnh những cao ốc đó là cuộc sống của nhiều người lao động, mưu sinh bằng cách bám chặt vào các khu chung cư, tòa văn phòng, như Hải Tùng và những “người nhện” đồng nghiệp của anh.
Càng nhiều tòa nhà mọc lên, nghề lau cửa kính trên không càng phát triển. Nhẩm tính, 7 năm qua, chàng trai sinh năm 1990 đã treo mình trên cả trăm tòa nhà.
Tên và địa chỉ của mỗi cao ốc khác nhau, nhưng việc chuẩn bị thì chỉ có một: Đầu tiên, nhóm 5 thành viên của Tùng được chia ra 3 người leo, một người canh dây ở sân thượng. Người con lại đảm bảo an toàn ở dưới đất.
Trước khi thả mình ra không trung, Tùng và các đồng nghiệp phải xác định vị trí thích hợp để cột, thắt dây bằng gút chuyên dụng. Ở những vị trí dây ma sát phải được chêm thật kỹ, tránh bị cạ làm hư hỏng, đứt, gây nguy hiểm.
Sau khi ngồi vững giữa độ cao cả trăm mét, Tùng neo mình theo những mảng kính lớn, cố gắng di chuyển ngang hết mức có thể để tăng diện tích kính được lau.
Việc khó nhất là lấy đà sao cho dây di chuyển với biên độ dao động lớn. Khi nhoài người tới được nơi cần lau, 9X phải nhanh tay chụp dụng cụ neo người lên mặt kính, một tay gồng cứng để giữ cân bằng, giúp người không bị trả về vị trí cũ, một tay nhanh chóng lau, kết hợp nhịp nhàng với vòi xịt nước đang ngậm chặt ở miệng.
“Đau khổ nhất là nước xà phóng chuyên dụng bắn vào mắt cay xè, không dụi được vì hai tay đều bận. Đã thế, mồ hôi mặn chát thi nhau chảy xuống nữa. Thôi đành ‘ti hí’ mắt, chịu đựng đến khi lau kính xong”, Tùng trầm lặng nói vài câu ít ỏi sau vài tiếng liên tục tập trung cao độ để làm việc.
“Có lần say nắng đổ bệnh phải nằm cả tuần. Ngày đấy, cứ nghĩ đến lại phải treo mình đón nóng tiếp thấy sợ đến rùng mình ấy. Nhưng công việc vẫn phải làm thôi, 7 năm rồi cũng quen. Anh em nào cũng vất vả như mình cả”, Tùng nhún vai, nói.
Chàng trai miền Tây tâm sự công việc này không quá phức tạp như nhiều người tưởng. Việc di chuyển cùng dây neo bảo đảm cũng rất an toàn vì đã được móc nối cẩn thận, nếu lỡ xảy chân cũng không bị rơi xuống.
“Mà dây này là hàng nhập Mỹ xịn, chịu được 2 tấn lận”, cậu khoe.
Anh Tạ Kim Thủy – Giám đốc công ty nơi Tùng làm việc, người có 18 năm trong nghề vệ sinh công nghiệp và lau kính – cho biết chỉ cần neo dây sai, dây bị tuột hoặc chịu không nổi tải trọng, công nhân có thể phải trả giá bằng tính mạng.
Vì vậy, công đoạn chuẩn bị phải rất cẩn thận. Công nhân thường kiểm tra chéo sau khi buộc dây và sau cùng có đội trưởng kiểm tra lần cuối trước khi thả.
Lao động không ngừng nghỉ khi đang treo mình trên dây trong vòng 4 tiếng, “người nhện” 9X hạ cánh an toàn xuống đất với gương mặt mệt mỏi và bộ quần áo ướt sũng, nhưng miệng vẫn nhoẻn nụ cười trấn an đồng nghiệp.
Sau một buổi sáng treo mình trên không, tổ công nhân của Tùng có vài phút nghỉ ngơi ít ỏi. Bữa trưa của anh em thường diễn ra trong quán cơm bình dân nhỏ quen thuộc Quán nóng bức và chật chội nhưng lại có giá rất mềm, chỉ 20.000 đồng/suất.
“Cơm của tui bán cho các chú ấy rẻ nhưng đầy đủ món mặn, món xào, canh và cơm thì thêm thoải mái”, chị Mai – chủ quán – cho biết.
Bữa ăn diễn ra khẩn trương. Vài câu chuyện tếu táo nhanh chóng kết thúc để có 30 phút ngủ trưa trước khi vào giờ làm buổi chiều. Các “người nhện” dùng sân thượng tòa nhà làm giường ngủ, ghế làm gối kê đầu, quần áo làm khăn chùm che nắng, và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sau một buổi sáng mệt mỏi.
Về nhà khi thành phố lên đèn
Đầu giờ chiều, cái nắng hầm hập không giảm bớt mà còn gắt gao hơn. Từng người lại lặng lẽ trượt trên bề mặt của chảo lửa khổng lồ, mồ hôi hòa với nước lau kính. Hơi nóng lúc 2-3 giờ chiều táp vào cơ thể. Cổ họng ai cũng khô khốc, hoa mắt choáng váng, cơ thể chao đảo.
4 tiếng buổi sáng, 4 tiếng buổi chiều gian nan, khi dây đu thả xuống tới mặt đất, Tùng mệt lả vì mất sức. Nhanh chóng cởi bỏ dụng cụ an toàn, anh xịt nước tắm tại chỗ, thay đồ, lên xe về nhà khi đồng hồ điểm 18 giờ.
Rời đi khi phố phường còn vắng vẻ, trở về lúc đường xá bắt đầu thấp thoáng ánh đèn, 20 km về nhà của Tùng không tránh khỏi tắc đường, khói bụi. Dù vội vã, “người nhện” không quên ghé chợ mua bó rau muống và miếng thịt để nấu bữa tối.
“Ngày nào cuối tháng lãnh lương thì ‘chơi sang’, mua thêm đồ tươi như tôm, cá cải thiện, hoặc ít trái cây cho vợ ăn thêm”, Tùng kể bữa cơm đạm bạc hàng ngày chỉ có hai vợ chồng, lâu lâu mới có hai người em ruột qua chơi, ăn cùng.
Tổ ấm của anh với vợ tên Liên, 26 tuổi, quê ở La Gi, Bình Thuận, công nhân công ty thủy sản, là căn phòng nhỏ trong khu trọ nghèo. Muốn vào được nhà cũng phải chịu khó vòng vo qua dăm con hẻm.
Những ngày mưa, nước ngập lênh láng, có khi dâng cao tràn cả vào phòng. Còn những ngày nắng nực, hơi nóng từ mái tôn phả xuống hầm hập như lò sấy. Hai vợ chồng không thể nằm được ở phòng ngủ mà phải trải chiếu nằm dưới sàn nhà.
Như hàng trăm căn phòng trọ lẩn khuất ở Sài Gòn, nhà của đôi vợ chồng trẻ có gác lửng, phòng ngủ, nhà bếp, vệ sinh, nhà kho quanh quẩn trong diện tích chừng 25 m2. Giữa nhà, Tùng lắp một chiếc xà đơn nhỏ để tập thể dục mỗi khi rảnh rỗi.
Ước mơ của ‘người nhện’
Ngày ngày đi qua những cao ốc hiện đại, sang trọng ở Sài Gòn, treo mình bên ngoài những tấm kính, nhìn thẳng vào đời sống văn phòng nhộn nhịp của giới “cổ cồn trắng”, cuộc sống của Tùng, Liên là bức tranh hoàn toàn trái ngược.
Cô gái sinh năm 1991 cũng ít nói như chồng, nhưng ánh mắt không có được niềm vui hay sự lanh lẹ như Tùng. Giọng nói, dáng đi, nụ cười, cho tới cả cái cúi đầu của Liên luôn có chút gì đó cam chịu và chấp nhận.
Hạnh phúc của cô công nhân mỗi ngày trôi qua chỉ là được thở phào khi nghe tiếng xe máy của chồng đã về tới cổng.
“Anh Đen (bạn của Tùng) từng ngã chấn thương cột sống vì bị gió thốc khi đang đu dây leo kính ở công trình bên quận 2. Em khóc òa và chỉ muốn chồng mình bỏ ngay công việc nguy hiểm này. Nhưng nghĩ lại, anh ấy nghỉ thì biết làm gì kiếm tiền? Vì chén cơm manh áo mà em nhắm mắt nhìn người mình yêu thương phải treo ngược mình ngoài không trung mỗi ngày”, Liên nhỏ giọng, nói.
Sinh ra trong một gia đình nghèo chỉ có nghề làm ruộng ở Đầm Dơi, Cà Mau, để kiếm tiền lo cho tương lai, năm 18 tuổi, “người nhện” một mình lên thành phố bươn chải và theo học ở trường Cao đẳng Điện lực.
Dù làm thêm đủ nghề và luôn cố gắng đi học để có tương lai tươi sáng, chi phí học tập, sinh hoạt ở một thành phố lớn vẫn đè nặng lên đôi vai chàng trai nghèo. Một lần, có người bạn rủ Tùng đi bán hàng đa cấp. Bùi tai và nhen nhóm hy vọng kiếm được món tiền đổi đời, Tùng nghe theo, thậm chí còn rủ hai em ruột chơi chung.
“Kết quả một năm sau, ba anh em mất hơn trăm triệu tiền vay mượn khắp nơi. Như có ma xui quỷ khiến vậy, tôi cứ lao đầu vào, mất hết tiền lại tìm cách đóng thêm. Thật ngu dốt”, 9X kể lại.
Nhưng cũng chính những tháng ngày đó giúp anh gặp được Liên, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời.
Kể từ đó, Tùng gắn cuộc đời với những ngày treo ngược cơ thể bên ngoài các tòa nhà, từ Bình Thuận, Sài Gòn, Vũng Tàu, tới các tỉnh Tây Nam Bộ. Cậu tự nhận mình may mắn, được phù hộ nên chưa từng bị thương, lại có người chủ tốt, anh em đồng nghiệp quý mến, và vợ cảm thông.
Trong nhà hai vợ chồng, ngoài những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, vị trí trang trọng nhất đặt chiếc bàn thờ. Mỗi sáng, khi Tùng đi làm, Liên lại thắp một nén hương, khẩn cầu tổ tiên bảo vệ cho người bạn đời không gặp hoạn nạn.
“Hai đứa có ước mơ gì không?”, tôi hỏi Tùng.
“Ở vị trí của tụi em giờ này mà nói có ước mơ gì hay không thì xa xôi quá. Cảm giác như mình chẳng còn quyền được mong ước nữa” – chàng trai trẻ cúi đầu – “nhưng vẫn mong một ngay gom đủ tiền, mở cho vợ cửa hàng nhỏ bán tạp hóa hoặc đồ ăn sáng. Liên đỡ vất vả, lại không phải mua bán thực phẩm giá cao bên ngoài”.
Khi Tùng nói câu này, bên ngoài kia, rất nhiều tòa nhà cao ốc khác tại Sài Gòn vẫn đang liên tục mọc lên, với cửa kính sáng lóa, đèn màu lấp lánh.
Nguồn: Báo Zing ( Hải An – Ngân Giang)
priligy precio Lead clinicians were reported
Assessments of total cholesterol, high density lipoprotein, low density lipoprotein and total serum triglycerides were performed at baseline, 6 months and 12 months buy priligy generic de Jong van den Berg
Pathology was consistent with adult type granulosa cell tumor GCT can i get cheap cytotec price